banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Hội thảo đào tạo theo định hướng ứng dụng và khởi nghiệp
15-11-2018

Sáng ngày 4 tháng 11 năm 2018, tại thành phố Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum phối hợp với Đại học Sư phạm - Kỹ thuật và Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Đào tạo theo định hướng ứng dụng và khởi nghiệp”.

PGS.TS. Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Các đơn vị thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng: Đại học Kinh tế, Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Cao đẳng Công nghệ Thông tin; Đại học FPT. Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, UBND Thành phố Kon Tum, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen và một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo các nhà khoa học, chuyên gia, cơ sở đào tạo, nhà quản lý và doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm và những bài học về đào tạo nguồn nhân lực định hướng ứng dụng và khởi nghiệp.

PGS.TS. Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng đã chia sẻ về tình hình phát triển nhà trường trong những năm qua. Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhà trường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như: Sinh viên chủ yếu là người dân Kon Tum và đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng khá lớn, Kon Tum là một tỉnh nghèo thiếu các yếu tố dịch vụ hỗ trợ để tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên theo học tập… dẫn đến sinh viên thiếu kỹ năng thực hành, thực tiễn, thiếu luôn kinh nghiệm làm việc trong môi trường thực tế. Do đó, nhà trường đã và đang xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, tăng cường ứng dụng thực tiễn trong chương trình học của sinh viên. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để thực hiện quá trình đào tạo tại doanh nghiệp ở những học phần mang tính chất thực tế như cho sinh viên năm 2, 3 đi  kiến tập, sinh viên năm 4 thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp về đào tạo cùng nhà trường.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin & Truyền thông - Đại học Đà Nẵng có bài phát biểu chia sẻ về những kinh nghiệm về triển khai đào tạo khởi nghiệp trong trường học. PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho biết không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới đều phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề đặt ra không chỉ với nền giáo dục Việt Nam mà của cả thế giới là làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc đào tạo theo định hướng ứng dụng và khởi nghiệp, trong đó việc liên kết nhà trường với doanh nghiệp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên là rất quan trọng. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm của Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin - Đại học Đà Nẵng về đào tạo phối hợp với phong trào khởi nghiệp bằng mô hình vườn ươm - tiền ươm tạo “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp Công nghệ thông tin”, chương trình hỗ trợ và tài trợ để triển khai các ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và các lĩnh vực khác dành cho học sinh, sinh viên, các bạn trẻ, đặc biệt là nữ sinh ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Chương trình nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần sáng tạo, tư duy năng động, ý tưởng khởi nghiệp cũng như giúp học sinh, sinh viên hiện thực hóa được giấc mơ kinh doanh và phát triển sản phầm sáng tạo CNTT-TT và các lĩnh vực khác. Chương trình do Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin - Đại học Đà Nẵng và Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị đào tạo, các tổ chức trong nước và quốc tế phát động và tổ chức, với nguồn kinh phí tài trợ ban đầu từ dự án thuộc Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo - chương trình ODA đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan. 

Ông. Nguyễn Đình Bắc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ các chính sách khởi nghiệp của Trung ương và địa phương.

Xoay quanh vấn đề khởi nghiệp, các đại biểu đã chia sẻ đây là vấn đề quan tâm của xã hội, Phân hiệu nên thành lập nhóm khởi nghiệp có các bạn sinh viên nhiều lĩnh vực để hỗ trợ lẫn nhau, chẳng hạn như sinh viên kỹ thuật tạo ra sản phẩm mới còn sinh viên kinh tế sẽ thương mại hóa sản phẩm. Ở Tây Nguyên, tiềm năng khởi nghiệp rất lớn nhưng phải khởi nghiệp từ sản phẩm cà phê, cao su, đem lại giá trị cao hơn việc chỉ trồng các loại cây này. Hiện nay sinh viên còn ảo tưởng về khởi nghiệp, chưa có khái niệm về thất bại. Khởi nghiệp không phải dễ do ý tưởng, hệ thống pháp lý, tâm lý sinh viên không đứng lên được sau thất bại, tâm lý chơi xấu như rủi ro thông tin. Khởi nghiệp tạo cho tâm lý làm chủ nhưng không phải ai cũng làm được, sinh viên còn thiếu kỹ năng gọi vốn, làm việc nhóm. Nên thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, kết nối nhu cầu DN và nhà trường…

Đại diện các các doanh nghiệp tham dự hội thảo cho biết: Hiện nay sinh viên thiếu thiếu tự tin, thiếu kiến thức thực tế, phải đào tạo lại trong khi đó lĩnh vực lao động nông nghiệp công nghệ cao đang cần rất nhiều lao động. Khu nông nghiệp công nghệ cao Măng đen cũng đã đầu tư khoảng 7.000m2 nhà lưới để sinh viên vào làm khởi nghiệp.

Bên lề Hội thảo, trước đó các đại biểu đã cùng đi tham quan, gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm xác định các định hướng phát triển ứng dụng của Phân hiệu trong thời gian tới.

Trần Hạnh
Số lượt xem:1881

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 34 Số người online:
TNC Phát triển: