banner
Thứ 6, ngày 17 tháng 5 năm 2024
Chú trọng hơn vào khâu phân phối
24-3-2015

Trong bối cảnh các “đại gia” bán lẻ nước ngoài đang ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam, vấn đề phát triển hệ thống phân phối cho hàng Việt đang được đặt ra cấp bách. Ngoài sự nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp (DN) bán lẻ, giai đoạn tới, khi Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được triển khai, khâu phân phối sẽ được chú trọng hơn nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt.

Chú trọng hơn vào khâu phân phối

Hệ thống phân phối sẽ được đầu tư mạnh hơn thời gian tới

Kênh phân phối “vào cuộc”

Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo CVĐ cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện, hiệu quả lớn nhất CVĐ đạt được là thay đổi thói quen mua sắm và sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng. Thay vì “sính” ngoại, người tiêu dùng Việt Nam đã ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước.

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận đó, thời gian qua, các DN trong nước đã không ngừng nỗ lực cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, đồng thời tự xây dựng các chuỗi cửa hàng hoặc liên kết chặt chẽ với các kênh phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại, tiểu thương tại chợ… nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tỷ trọng hàng Việt trên thị trường.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho các DN sản xuất, các kênh phân phối trong nước cũng không ngừng nỗ lực mở rộng hệ thống cửa hàng. Cụ thể, Saigon Co.op đã phát triển mạnh mạng lưới siêu thị Co.opmart, chuỗi cửa hàng tiện lợi an toàn Co.op Food... Cuối năm 2013, Saigon Co.op đã chủ động hợp tác với NTUC FairPrice - tập đoàn bán lẻ của Singapore để “lấn sân” mô hình kinh doanh đại siêu thị, vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn.

Nhằm nâng cao năng lực của mình, hệ thống Citimart cũng hợp tác với Aeon và chính thức đổi tên chuỗi 30 siêu thị Citimart thành Aeon Citimart. Theo hợp đồng hợp tác ký kết, Aeon sẽ hỗ trợ Citimart thay đổi toàn bộ việc quản lý hệ thống mới, hỗ trợ bước đầu trong gắn kết thương hiệu, thay đổi phương pháp điều hành. DN hai bên đang tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển, phấn đấu sẽ đạt 500 siêu thị trên toàn quốc vào năm 2025.

Các DN bán lẻ cũng chủ động dành những gian hàng thuận tiện cho hàng Việt. Nhờ những ưu đãi này, đến nay, hàng Việt tại các kênh phân phối đã chiếm tỷ lệ lớn. Tại nhiều siêu thị như Co.opmart, Big C, Metro…, tỷ lệ hàng Việt đã lên đến trên 90%. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương, giúp đưa nhiều nông sản Việt đến tận tay người tiêu dùng.

Tăng lực cho kênh phân phối

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng thực tế, đến nay, hàng Việt chỉ tập trung ở thành phố. Ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa – khu vực tập trung phần đông dân cư, DN mới đưa hàng về bằng các đợt bán hàng lưu động định kỳ chứ chưa thực sự hình thành mạng lưới phân phối. Bên cạnh đó, các chợ đầu mối hiện là một trong những kênh phát luồng hàng hóa về các tỉnh, địa phương khá lớn, trong đó có hàng Việt, tuy nhiên, DN Việt Nam chưa tận dụng được kênh phân phối này.

Đầu tư một hệ thống phân phối bài bản là điều quan trọng nhất để hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Do đó, để CVĐ thu được nhiều hiệu quả hơn trong thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển hệ thống phân phối hàng Việt sao cho đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm của người dân.

Cùng với những nỗ lực của bản thân DN phân phối, ngày 29/4/2014, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, có thể nói, đề án đã tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các DN phân phối trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, đề án khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tập trung tăng cường triển khai chương trình liên kết giữa các tỉnh thành trong cả nước, giúp các mặt hàng thế mạnh địa phương, các sản phẩm làng nghề được tiếp cận với nhiều vùng, miền trên cả nước. Ngoài ra, tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu Việt, kết nối cung cầu...

Đặc biệt, để đưa hàng Việt vào sâu hơn hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống phân phối vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đề án đề ra mục tiêu sẽ xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam trên thị trường trong nước; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến năm 2020, đề án đề ra mục tiêu xây dựng 100 mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cố định tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (ưu tiên triển khai tại chợ) và tại các huyện vùng sâu, vùng xa, khu vực liên xã, biên giới...; Xây dựng thí điểm 3 kho phân phối hàng Việt tại địa bàn nông thôn; Xây dựng thí điểm 5 mô hình chuỗi liên kết “Tự hào hàng Việt Nam” từ sản xuất đến tiêu dùng đối với mỗi nhóm mặt hàng/mặt hàng Việt có lợi thế… Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp “tăng lực” cho hàng hóa và kênh phân phối Việt trong thời gian tới./. Phương Lan

T.T.Hạnh: Theo báo http://ven.vn
Số lượt xem:730

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 21 Số người online:
TNC Phát triển: