banner
Thứ 6, ngày 17 tháng 5 năm 2024
Hình thức đầu tư PPP: "Cú hích" phát triển hạ tầng
24-3-2015

Chưa ai dám nói hình thức đầu tư đối tác công tư PPP là chiếc chìa khóa vạn năng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay hình thức này đang được đánh giá là một lựa chọn hợp lý nhất.

Hình thức đầu tư PPP: "Cú hích" phát triển hạ tầng

PPP được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng cũng như trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao... trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp hiện nay. (Ảnh: Dự án PPP Hầm đường bộ Đèo Cả)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Đây là hình thức đầu tư hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, DN để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Nghị định có hiệu lực từ 10/4/2015 được kỳ vọng sẽ tạo một cú huých cho phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ công.

Cởi mở mời gọi nhà đầu tư

Nghị định mới ra đời được kỳ vọng khắc phục một trong những trở ngại lớn nhất trong việc hấp thụ đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án PPP là việc chia sẻ rủi ro mà các nhà đầu tư tư nhân sẽ phải đối mặt, cũng như tạo sự chủ động về vốn cho nhà đầu tư. Nghị định quy định rõ, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư.

Trong khi, các dự án giao thông vận tải có thu phí, theo quy định trước đây thì nhà đầu tư phải bỏ ra tối đa 70% vốn cho dự án và họ cũng không được quyết định thu phí và mức phí. Bởi vậy, với nhà đầu tư trước đây phải chịu rủi ro quá lớn trong việc thu hồi vốn đầu tư của họ. Nghị định mới đã bỏ qua điều khoản hạn chế mức góp vốn tối đa của nhà nước, không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời chỉ quy định tối thiểu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án, và không thấp hơn 10%, nếu dự án có quy mô trên 15 nghìn tỷ đồng.

Một điểm quan trọng nữa của Nghị định là quy định “nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác nếu việc chuyển nhượng đó không ảnh hưởng đến mục tiêu, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án và phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và các điều kiện khác đã thỏa thuận tại hợp đồng dự án”.

Thực tế, PPP đã xuất hiện tại VN từ nhiều năm qua, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm hợp tác đầu tư Công - Tư (PPP). Tuy nhiên, với gần 40 dự án được đề xuất, song do thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp, chỉ có 1 dự án chính thức được triển khai - đó là dự án hầm đường bộ Đèo Cả đi qua 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư lên tới 15.603 tỷ đồng, được khởi công ngày 18/11/2012. Dự kiến đến năm 2016, công trình sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Thời gian khai thác để hoàn vốn là 28 năm (2016-2044).

Lường trước khó khăn

Nghị định mới đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực đầu tư dành cho PPP, không chỉ hạn chế trong hạ tầng giao thông vận tải, điện, nước, y tế, môi trường, mà còn trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học và công nghệ, khu kinh tế, khu công nghiệp, và đáp ứng công nghệ thông tin… Việc mở rộng xã hội hóa các lĩnh vực đang trở thành một xu thế mang tính tất yếu. Tuy nhiên, một trong những hạn chế chủ yếu của mô hình PPP là nhà nước vẫn phải bố trí vốn tham gia vào các dự án PPP. Bên cạnh đó là việc xác định tài sản đầu tư lâu dài, chứ không đơn thuần chỉ là bao nhiêu năm.

Hiên nay, vấn đề nợ công đã và đang tăng mạnh tiếp cận ngưỡng trần cho phép, khả năng thu xếp vốn của nhà nước chỉ dựa vào các nguồn vay nợ, dù là từ vốn ODA hay vay ưu đãi… sẽ tiếp tục còn bị hạn chế trong thời gian tới. Điều này cũng có nghĩa tăng mức đầu tư của nhà nước trong các dự án hay mở rộng mô hình PPP ở Việt Nam sẽ bị hạn chế.

Theo ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Hà Nội, cơ chế đầu tư theo hình thức PPP có thể coi như nhà đầu tư, DN bỏ tiền đầu tư còn Nhà nước như một người trả góp. Ở đây, bản chất là Nhà nước thuê sử dụng nên Nhà nước cần phải có những tính toán hợp lý khi áp dụng cơ chế PPP cho các dự án. Trong cơ chế PPP, Nhà nước chỉ lo đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chứ không phải tiến hành đấu thầu xây dựng nữa và điều này cũng giúp tiết kiệm được một nguồn kinh phí không nhỏ. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải thuê tư vấn công trình và tư vấn pháp lý đủ khả năng để xây dựng hợp đồng PPP có hiệu quả nhất.

Nghị định PPP có thể được xem là bước mở đường cho nhiều quy định cụ thể khác cần sớm được xây dựng.

Thực tế thời gian qua, với tư duy, các dự án đầu tư cho hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như: điện, đường, trường, trạm... là do Nhà nước làm nên chúng ta mới rơi vào tình trạng thiếu vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Một xã hội hiện đại thì yếu tố Nhà nước là nhỏ yếu tố xã hội là lớn, câu chuyện đầu tư cũng vậy, nguồn vốn đầu tư của cả xã hội là rất lớn, trong khi vốn đầu tư của Nhà nước lại có giới hạn. Không chỉ giải quyết vấn đề về vốn, cơ chế PPP sẽ giải quyết được cả việc quản lý chất lượng công trình sau đầu tư, thường cứ cái gì Nhà nước quản lý thì hay rơi vào xu thế chung là không năng động và kém hiệu quả hơn so với tư nhân quản lý.

Sẵn sàng mở cửa và tiếp cận những nguồn vốn lớn, những nhà đầu tư tiềm năng theo một cơ chế hợp lý là vấn đề phải đặt ra trong lúc này. Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT), chỉ tính riêng năm 2014, ngành giao thông – vận tải đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông. Tuy nhiên, phần lớn vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ và xuất phát từ các nhà đầu tư trong nước.

Việc các nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, vay vốn chủ yếu trong nước nên có chỉ số tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, họ cũng chưa có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và chưa am hiểu về đầu tư PPP, chưa đánh giá được rủi ro nên triển khai còn nhiều vướng mắc. Chỉ nói riêng lĩnh vực giao thông, các chính sách phí trong lĩnh vực giao thông chưa hoàn thiện, chưa có mức phí hoàn vốn cho đường cao tốc, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không là những trở ngại lớn.

Từ hoàn thiện các tiêu chí về cân đối, hài hòa lợi ích đến mô hình phối hợp quản lý, quản trị các dự án PPP đang là những yêu cầu khá cấp bách. Nghị định có thể được xem là bước mở đường cho nhiều quy định cụ thể khác cần sớm được xây dựng.

Cần xác định mục tiêu, chiến lược rõ ràng


GS TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN FDI:

Mô hình đầu tư đối tác công tư PPP không phải cái gì xa lạ đối với chúng ta. Thực tế, đây cũng chính là mô hình đầu tư BOT được chúng ta triển khai từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chúng ta đã chỉnh sửa lại và gọi với một cái tên mới là PPP từ năm 2010 và áp dụng thí điềm từ đầu năm 2011.

Mặc dù, PPP được rất nhiều quốc gia áp dụng thành công nhưng với Việt Nam thì sau nhiều năm đi vào triển khai vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong đợi và thậm chí nhiều nơi còn phát sinh đủ loại bất cập. Kể cả việc thí điểm chính thức mô hình PPP từ 2011 đến nay cũng cần có tổng kết đánh giá và đặt biệt phải đặt ra mục tiêu, chiến lược rất cụ thể, rõ ràng.

Nếu nói về thu hút đầu tư nước ngoài dưới hình thức PPP chúng ta đã từng có một số nhà đầu tư tìm đến, song không thành công. Đơn cử như dự án nước sạch tại TP HCM do nhà đầu tư Malaysia hay dự án nhiệt điện từ than cám của nhà đầu tư Mỹ… Các nhà đầu tư đều không thỏa mãn về mặt lợi ích. Những ưu đãi hay thỏa thuận giá đầu vào, đầu ra không đạt được nên dự án thất bại. Nhìn chung, khi chúng ta chưa xác định rõ mục tiêu và những lợi ích lâu dài thì dự án rất khó triển khai.

Một ví dụ nữa là phát triển điện gió. Trong khi giá thành mỗi kw/h của điện gió vào khoảng 13 cent thì chúng ta chỉ chấp nhận mua của họ 7 cent, cùng lắm cộng thêm 1 cent thành 8 cent. Vậy thì làm sao nhà đầu tư có thể vào được? Giá như chúng ta có một số ưu đãi hay khuyến khích sản xuất hàng trong nước rồi hạ giá thành xuống 10 cent kw/h rồi mua của họ sao cho để lãi khoảng 10 – 15% thì những lợi ích lâu dài và bền vững có thể đi vào hiện thực…

Làm gì cũng phải có cái nhìn chiến lược lâu dài và tính toán hợp lý các lợi ích. Thời gian qua, mô hình đầu tư BOT đã để lại nhiều bài học cần phải tổng kết. Ví dụ như cứ để mỗi DN thầu một đoạn ngắn đường rồi vài km lại phải dựng lên một trạm thu phí. Rồi chuyện người ta dựng rào chắn cả bờ biển để làm khu nghỉ dưỡng riêng, không cho người dân được vào…

Tương lai của những bến cảng hàng không, cảng biển, hay đường cao tốc khi hợp tác PPP sẽ ra sao cần phải tính toán. Từ làm thí điểm đến rút kinh nghiệm thực tế, kinh nghiệm quốc tế rồi mới cho triển khai, không vội vàng nhưng cũng đừng e ngại. Chúng ta không sợ tư nhân trong hay ngoài nước quản lý, điều quan trọng là phải hài hòa lợi ích và đặc biệt đảm bảo lợi ích cộng đồng.

DN có thể lượng sức mình


Ông Nguyễn Tiến Đức - Chủ tịch AMD Group:

Việc Nghị định mới đưa vào 5 điều kiện cụ thể để lựa chọn đối tác cho các dự án PPP là hết sức cần thiết. Thực tế những dự án theo mô hình PPP lâu nay (theo các hình thức BT, BOT hay BTO) mà các DN tư nhân tham gia thường đã đáp ứng các điều kiện này rồi. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các điều kiện thành văn bản pháp quy sẽ góp phần minh bạch và công khai, rõ ràng hơn các tiêu chí, điều kiện để các bên tham gia “lượng sức mình”. Đồng thời cũng là căn cứ để lựa chọn công khai, minh bạch những đối tác đủ tiềm năng, thực lực, giúp cho dự án đảm bảo đúng hiệu quả, tiến độ cũng như chất lượng.

Cùng với tiến trình cổ phần hóa, tái cấu trúc nền kinh tế, PPP là xu hướng không phải chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Sẽ tới một thời điểm, khi mà PPP phát triển mạnh mẽ thì Nhà nước sẽ thực hiện việc quản lý và điều tiết vĩ mô trên cơ sở chỉ làm những việc tư nhân không muốn làm, không làm được hoặc không được làm. Ngân sách không phải là cái “nồi Thạch Sanh” trong khi nhu cầu đầu tư của một đất nước đang phát triển là rất lớn.

Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống như hạ tầng, năng lượng, tôi nhìn thấy nhiều lĩnh vực có thể thực hiện PPP như giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ. Những lĩnh vực này rất phù hợp để thực hiện PPP khi nhà nước có những chính sách cụ thể hơn. Ví dụ về khoa học công nghệ, Việt Nam đang có một số trung tâm, khu công nghệ cao, trung tâm phần mềm… song tất cả những đơn vị đó vẫn là đơn vị nhà nước thuần túy. Trong khi lĩnh vực ươm tạo công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao đang rất cần xã hội hoá để có những bước tiến vượt bậc để khai thác hết tiềm năng.

Tôi cho rằng cơ chế pháp lý phải đi liền với tư duy đổi mới, cần thúc đẩy tư duy phát triển mô hình PPP, các địa phương cũng cần chuẩn bị để hấp thụ mô hình này. PPP là hình thức hiệu quả để huy động các nguồn lực khác nhau của xã hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Nền kinh tế càng huy động được nhiều nguồn lực thì nền kinh tế càng khỏe.

Chúng ta cần nền kinh tế có dòng vốn được luân chuyển, nhiều kênh thu hút và quản trị đồng tiền. PPP là xu hướng và đó là kênh hiệu quả, làm cho đồng vốn sinh sôi nảy nở một cách tối đa. Khi xác định những lĩnh vực cần PPP thì chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh, trong nước yếu thì phải nhường sân chơi cho nhà đầu tư nước ngoài (trừ một số lĩnh vực mà nhà nước quy định cụ thể không rộng cửa với nhà đầu tư nước ngoài).

Bá Tú

T.T.Hạnh: Theo báo http://dddn.com.vn
Số lượt xem:744

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 26 Số người online:
TNC Phát triển: